Về nguyên tắc khi lập hồ sơ vụ án hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải sắp xếp hồ sơ theo một trình tự nhất định để thuận tiện cho việc nghiên cứu, quản lý hồ sơ.
Thông thường các tài liệu, chứng cứ của hồ sơ được sắp xếp theo từng tập và theo thứ tự sau đây:
- Phần tài liệu, chứng cứ do Cơ quan điều tra lập.
- Phần tài liệu, chứng cứ do Viện kiểm sát lập.
- Phần tài liệu, chứng cứ do Tòa án lập.
Để đảm bảo nghiên cứu hồ sơ vụ án có hiệu quả cần tiến hành nghiên cứu một cách có thứ tự theo từng phần tài liệu, chứng cứ được lập như nêu trên. Thứ tự nghiên cứu như sau:
1. Nghiên cứu tài liệu, chứng cứ của Cơ quan điều tra lập và thu thập
Tài liệu, chứng cứ của Cơ quan điều tra lập thường bao gồm nhiều tập nhỏ như tập thủ tục khởi tố vụ án tập tài liệu về biên bản hỏi cung bị cáo, bị hại, tập tài liệu về thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn, tập tài liệu về tiến hành các thủ tục điều tra (như khám nghiệm hiện trường, giám định…).
Việc nghiên cứu tài liệu, chứng cứ của Cơ quan điều tra lập bao giờ cũng phải tiến hành trước tiên nhằm xác định nội dung của vụ án. Trên cơ sở đó Thẩm phán mới vạch ra kế hoạch giải quyết vụ án và tiến hành các thủ tục cần thiết để giải quyết vụ án.
Nguyên tắc chung là phải nghiên cứu tất cả các tài liệu chứng cứ do Cơ quan điều tra thu thập nhưng phải nghiên cứu theo thứ tự (hết tập này mới đến tập khác) nhằm đảm bảo tính toàn diện và tính chặt chẽ trong nghiên cứu.
2. Nghiên cứu tài liệu, chứng cứ của Viện Kiểm sát lập và thu thập
Tài liệu, chứng cứ của Viện Kiểm sát lập bao gồm Bản cáo trạng, Danh sách những người cần triệu tập đến Toà án, Thông báo chuyển hồ sơ vụ án, Biên bản giao hồ sơ vụ án…
Nhìn chung tài liệu, chứng cứ do Viện Kiểm sát lập bao giờ cũng ít hơn cơ quan điều tra lập.
Việc nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ do Viện Kiểm sát cung cấp và thu thập đòi hỏi phải tiến hành một cách cẩn trọng vì chúng chứa đựng nhiều nội dung có ý nghĩa.
3. Nghiên cứu tài liệu, chứng cứ của Tòa án lập và thu thập
Tài liệu, chứng cứ của Tòa án lập và thu thập thực chất là các tài liệu, chứng cứ được người bào chữa cho bị cáo nộp, do người bị hại và những người tham gia tố tụng là nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hoặc người bảo vệ quyền lợi cho họ cung cấp cho Tòa án.
Ngoài ra Tòa án cũng có thể lập một số tài liệu như Biên bản tống đạt giấy triệu tập, Giấy chứng nhận người bào chữa…
Các tài liệu, chứng cứ do Tòa án thu thập trong quá trình giải quyết vụ án thường tập trung về thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử.
(Nội dung được trích dẫn: Phương pháp nghiên cứu hồ sơ vụ án hình sự và áp dụng bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 – Luật gia Nguyễn Ngọc Điệp – trang 30,31)