Bình luận về tội cưỡng bức lao động trong Bộ luật Hình sự

Chia sẻ nếu thấy nội dung này hữu ích

Điều 297. Tội cưỡng bức lao động

Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác phải lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đối với 02 người trở lên;

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;

d) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 61% trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 02 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên.

Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Bình luận:

1.Cưỡng bức lao động là hành vi sử dụng vũ lực đe dọa dùng vũ lực hoặc các hành vi khác nhằm bắt một người lao động trái ý muốn của họ.

2.Dấu hiệu pháp lý của tội phạm

* Khách thể của tội phạm

Tội phạm xâm phạm vào những qui định của Nhà nước về sử dụng lao động.

* Mặt khách quan của tội phạm

-Tội phạm thể hiện ở hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác ép buộc người khác lao động trái với ý muốn chủ quan của họ.

– Điều kiện truy cứu truy cứu trách nghiệm hình sự:

+ Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hai cho sức khỏe của 01 người với tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

+ Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%.

* Mặt chủ quan của tội phạm

Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý.

* Chủ thể của tội phạm

Tội phạm được thực hiện bởi những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi theo luật định và là người sử dụng lao động. Thông thường tội phạm được thực hiện bởi người sử dụng lao động trong các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, nhà máy.v.v…

(Nội dung được trích dẫn từ: Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017- TS. Trần Văn Biên; TS. Đinh Thế Hưng – tr 472-473)