Điều 305. Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ
Bình luận
1. Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ là hành vi làm ra, cất giữ, chuyển dịch, bán hay ma để bán lại, cướp, bắt cóc nhằm chiếm đoạt, cưỡng đoạt, cướp giật, công nhiên chiếm đoạt, trộm cắp, tham ô, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm dụng vật liệu nổ.
2. Dấu hiệu pháp lý của tội phạm.
* Khách thể của tội phạm
– Tội phạm xâm phạm các quyết định độc quyền của Nhà nước về chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán và quản lý các vật liệu nổ.
– Vật liệu nổ là những vật liệu có đặc tính nguy hiểm cao, có khả năng gây nguy hiểm cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy tài sản…vì vậy nó có ý nghĩa quan trọng đối với việc giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nên Nhà nước độc quyền quản lý các vật liệu nổ, mọi cá nhân tổ chức có hoạt động chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng mua bán, chiếm đoạt các vật liệu nổ không được phép của Nhà nước đều trái pháp luật.
* Mặt khách quan của tội phạm
– Tội phạm thể hiện ở hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ.
+ Hành vi chế tạo các vật liệu nổ là làm ra, chế biến, pha chế các chất để sản xuất các vật liệu nổ.
+ Hành vi tàng trữ các vật liệu nổ là cất giữ trong người, nơi ở, nơi làm việc…các vật liệu nổ trái với quy định của Nhà nước.
+ Hành vi vận chuyển trái phép các vật liệu nổ là chuyển dịch, đưa các vật liệu nổ từ địa điểm này đến địa điểm khác trái với quy định của nhà nước.
+ Hành vi sử dụng các vật liệu nổ là hành vi mang ra sử dụng các vật liệu nổ trái với quy định của nhà nước.
+ Hành vi mua bán trái phép các vật liệu nổ là đưa các vật liệu nổ ra mua bán trao đổi bằng tiền hoặc các lợi ích vật chất khác. Các vật liệu nổ được Nhà nước độc quyền quản lý, vì vậy mọi hành vi mua bán vật liệu nổ đều là trái phép.
+ Hành vi chiếm đoạt vật liệu nổ là dùng vũ lực hoặc những thủ đoạn khác như lừa đảo, lén lút bí mật…để chiếm đoạt các vật liệu nổ.
– Các vật liệu nổ đây là những chất có khả năng gây nên những phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiều nhiệt và ánh sáng, các chất có khả năng tự bốc cháy như phốt pho, nát tơri…một số vật liệu nổ cụ thể như các loại kíp mìn, các loại thuốc nổ, bom, mìn, thuốc phóng…những vật liệu này sử dụng trong hoạt động kinh tế không phải dùng trong lực lượng vũ trang.
* Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý.
* Mặt chủ thể của tội phạm
Tội phạm được thực hiện bởi những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật định.
(Nội dung được trích dẫn từ: Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 – TS.Trần Văn Biên và TS.Đinh Thế Hưng, tr 481-483).