Điều 303. Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia
1.Người nào phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin – liên lạc, công trình điện lực, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hóa và xã hội, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 114 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Có tổ chức;
b) Làm công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia hư hỏng, ngưng hoạt động;
c) Làm chết 03 người trở lên;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
đ) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế – xã hội;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt quản chế từ 01 năm đến 05 năm.
Bình luận
1. Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia là hành vi phá hủy công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin- liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học-kỹ thuật, văn hóa và xã hội.
2. Dấu hiệu pháp lý của tội phạm
* Khách thể của tội phạm
Tội phạm xâm phạm vào sự an toàn của các công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, xâm phạm đến sở hữu của Nhà nước về các đối tượng nêu trên, đồng thời làm ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.
* Mặt khách quan của tội phạm
– Tội phạm thể hiện ở hành vi phá hủy công trình, cơ sở hoặc phương tiện giao thông vận tải, thông tin – liên lạc, công trình điện, dẫn chất đốt, công trình thủy lợi hoặc công trình quan trọng khác về quốc phòng, an ninh, kinh tế, khoa học- kỹ thuật, văn hóa và xã hội. Hành vi phá hủy được hiểu là hủy hoại làm mất hoàn toàn giá trị sử dụng của các đối tượng, hoặc làm hỏng, mất một phần giá trị sử dụng bằng các hành vi khác nhau như đặt bom, mìn, gây nổ, đốt cháy hoặc cắt, đập.v.v… làm cho công trình phương tiện đó không thể hoạt động được.
Các công trình, phương tiện ở đây bao gồm:
+ Các công trình phương tiện về giao thông vận tải bao gồm: các công trình, thiết bị, xe máy, tàu thuyền về giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy, đường không có giá trị, tầm quan trọng nhất định.
+ Công trình phương tiện về giao thông tin liên lạc bao gồm mọi công trình, thiết bị, máy móc về thông tin hữu tuyến, vô tuyến có tầm quan trọng nhất định.
+ Công trình, phương tiện hệ thống tải điện bao gồm mọi công trình, thiết bị, máy móc đang vận hành, sử dụng cùng với mạng lưới đường dây đảm bảo cho việc tải điện.
+ Công tình, phương tiện hệ thống dẫn chất đốt bao gồm mọi công trình, thiết bị,máy móc cùng với đường dẫn chất đốt.
+ Công trình thủy lợi bao gồm mọi công trình, thiết bị, máy móc, hệ thống mương máng, đê điều, trạm bơm đảm bảo cho việc tưới tiêu nước cho đồng ruộng.
Ngoài ra còn các công trình phương tiện quan trọng khác về an ninh quốc gia, kinh tế, khoa học- kỹ thuật, văn hóa và xã hội. Ví dụ: các trung tâm nghiên cứu khoa học hình sự, khoa học quân sự, khoa học kinh tế, cơ sở nghiên cứu nguyên tử.v.v..
Nói chung các công trình phương tiện quy định ở điều luật có giá trị lớn và có vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.
– Tội phạm hoàn thành khi người phạm tội có một trong những hành vi nêu trên, không kể hậu quả của tội phạm đã xảy ra hay chưa.
* Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi cố ý, động cơ mục đích đa dạng nhưng không có mục đích chống chính quyền nhân dân, nếu mục đích chống quyền nhân dân thì truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 113 Bộ luật hình sự (tội phá hoại cơ sở vật chất, kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa việt Nam).
* Chủ thể của tội phạm
Tội phạ được thực hiện bởi những người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo luật quy định.
(Nội dung được trích dẫn tại cuốn Bình luận khoa học Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi,bổ sung năm 2017) do TS.Trần Văn Biên và TS.Đinh Thế Hưng tại trang 478 và 479)