Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015
Điều 332. Tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự
Người nào không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Tự gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của mình;
b) Phạm tội trong thời chiến;
c) Lôi kéo người khác phạm tội.
Bình luận
1. Khái niệm
Trốn tránh nghĩa vụ quân sự được hiểu là hành vi không chấp hành đúng quy định của pháp luật về đăng ký nghĩa vụ quân sự, không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, lệnh gọi tập trung huấn luyện của cơ quan quân sự có thẩm quyền.
2. Các yếu tố cấu thành tội trốn tránh nghĩa vụ quân sự.
* Mặt khách quan.
Mặt khách quan của tội phạm này có các dấu hiệu sau:
– Hành vi. Có một trong các hành vi sau:
+ Có hành vi không chấp hành đúng quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự. Hành vi này được thể hiện qua việc người phạm tội trong độ tuổi thi hành nghĩa vụ quân sự nhưng lẩn tránh không thực hiện việc đăng ký nghĩa vụ quân sự hàng năm, cố tình đăng ký sai (sai tuổi, sai họ tên…), đăng ký chậm, không đăng ký bổ sung khi có thay đổi về nơi ở, nơi làm việc…
+ Có hành vi không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ. Được thể hiện qua hành vi không nhận lệnh, không đến nơi tập trung để nhập ngũ, lẩn tránh lệnh gọi nhập ngũ hoặc dùng thủ đoạn khác như tự gây thương tích để không thực hiện lệnh gọi nhập ngũ.
+ Có hành vi không chấp hành lệnh gọi tập trung huấn luyện (đối với quân nhân dự bị). Được thể hiện qua việc không đến địa điểm tập trung để thi hành lệnh, lẩn tránh hoặc dùng các thủ đoạn khác để không chấp hành lệnh.
– Dấu hiệu khác.
Người thực hiện hành vi nêu trên phải thuộc trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi này (hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự) hoặc đã bị kết án về tội này mà còn vi phạm thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này. Đây là dấu hiệu cơ bản của tội này.
* Mặt khách thể.
Hành vi trốn tránh nghĩa vụ quân sự đã xâm phạm đến chế độ đăng ký nghĩa vụ quân sự, về gọi nhập ngũ, về tập trung huấn luyện quân dự bị.
* Mặt chủ quan.
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
* Mặt chủ thể.
Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào còn trong độ tuổi phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
3. Về hình phạt
Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 02 khung, cụ thể như sau:
– Khung một (khoản 1):
Có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
– Khung hai (khoản 2):
Có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
(Nội dung được trích dẫn từ: Bình luận khoa học phần các tội phạm bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), tr 485-486).