Tội phá thai trái phép.

Chia sẻ nếu thấy nội dung này hữu ích

Phá thai trái phép được hiểu là hành vi hủy bỏ thai nhi của người khác (dưới bất kỳ hình thức nào ở người phụ nữ) nhưng không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền được quy định tại Điều 316 Bộ luật Hình sự 2015 tương ứng với Điều 243. Tội phá thai trái phép BLHS 1999

Điều 316. Tội phá thai trái phép

1. Người nào thực hiện việc phá thai trái phép cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây tn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61 % trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121 %;

d) Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%.

3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

 

Bình Luận

1. Khái niệm

– Phá thai trái phép được hiểu là hành vi hủy bỏ thai nhi của người khác  (dưới bất kỳ hình thức nào ở người phụ nữ) nhưng không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

2. Các yếu tố cấu thành tội phá thai trái phép

2.1. Mặt khách quan

– Mặt khách quan của tội phạm này có các dấu hiệu sau:

a) Về hành vi. Có hành vi thực hiện việc phá thai trái phép của người khác. Được thể hiện như thực hiện phá thai ở những nơi không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ sở không có giấy phép thực hiện việc phá thai…

b) Dấu hiệu khác. Có một trong các dấu hiệu sau đây:

– Làm chết người;

– Gây tổn hại cho sức khỏe 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

– Gây tổn hại cho sức khỏe 02 người mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể  của những người này từ 61% đến 121%;

– Đã bị xử lí kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

2.2. Khách thể

Hành vi nêu trên xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác.

2.3. Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội này với lỗi cố ý.

2.4. Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng  lực trách nhiệm hình sự.

3. Về hình phạt

– Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 03 khung, cụ thể như sau:

a) Khung một (Khoản 1).

– Có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

b) Khung hai (Khoản 2).

– Có mức phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

c) Khung ba (Khoản 3).

– Có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

4. Hình phạt bổ sung.

– Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(Nội dung được trích dẫn từ Bình luận khoa học phần các tội phạm Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 của Luật gia Nguyễn Ngọc Điệp, từ trang 455-457).