Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015

Chia sẻ nếu thấy nội dung này hữu ích

Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối quy định tại Điều 382 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015. Tương ứng với Điều 307. Tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật BLHS 1999.

Điều 382. Tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối

1. Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian di hoặc cung cấp nhng tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dẫn đến việc giải quyết vụ án, vụ việc bị sai lệch.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội 02 lần trở lên;

b) Dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm hoặc người phạm tội.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bình luận tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối:

Điều luật quy đinh hai tội danh bao gồm:

– Tội khai báo gian dối.

– Tội cung cấp tài liệu sai sự thật.

1. Khái niệm

a, Khai báo gian dối được hiểu là hành vi của người làm chứng đã khai không đúng sự thật những tình tiết liên quan đến vụ án.

b, Kết luận, dịch gian dối,được hiểu là hành vi của người giám định, người dịch thuật đã ra kết luận về vấn đề cần giám định, dịch từ Tiếng việt ra tiếng nước ngoài hoặc tiếng các dân tộc khác không đúng với sự thật, không đúng với ngôn ngữ của nước ngoài hoặc dân tộc khác (hoặc ngược lại).

c, Cung cấp tài liệu sai sự thật, được hiểu là hành vi của người làm chứng, người đính giá tài sản đã giao những tài liệu sai sự thật cho cơ quan tiến hành tố tụng mà mình biết rõ tài liệu đó là sai sự thật.

2. Các yếu tố cấu thành tội cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc khai báo gian dối

2.1. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội phạm này có một trong các hành vi sau đây:

a, Đối với người giám định. Các hành vi kết luận gian dối được hiểu là hành vi ra một kết luận về vấn đề cần giám định không đúng với tính cách khách quan của nội dung giám định. Tính sai sự thật này có thể là sai một phần hoặc sai toàn bộ nội dung giám định (ví dụ: chữ viết trong hợp đồng mua bán là của ông A nhưng lại kêt luận không phải của ông A).

b, Đối với người phiên dịch. Có hành vi gian dối được hiểu là hành vi dich sai lệch về nội dung lời nói hoặc nội dung chữ viết trong tài liệu (như dich không đúng với sự thật mà bản dịch mô tả, dịch không đúng với ngôn ngữ của bản dịch gốc từ tiếng nước ngoài, tiếng dân tộc khác sang tiếng việt (hoặc ngược lại).

c, Đối với người làm chứng. Có hành vi khai báo gian dối, được hiểu là hành vi trình bày những sự việc, những tình tiết không đúng vơi thực tế mà người làm chứng đã biết (ví dụ: nhân chứng A đã nhìn thấy ông B đâm ông C nhưng lại khai là ông C tự đâm để tự sát).

d, Đối với người làm chứng, người định giá tài sản. Có hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật. Được hiểu là hành vi đưa ra những tài liệu cho cơ quan tố tụng mà mình biết rõ tài liệu đó sai sự thật (như đưa ra hợp đồng vay nợ của cá nhân nhưng biết rõ không phải là bản thật, đưa ra tài liệu để làm cơ sở định giá do người khác cung cấp nhưng biết rõ tài liệu đó là giả…).

2.2. Khách thể

Hành vi nêu trên xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng.

2.3. Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Đối với hành vi cung cấp tài liệu sai sự thật thì việc biết rõ tài liệu đó là sai sự thật là dấu hiệu cấu thành bắt buộc.

2.4. Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này những người tham gia tố tụng sau: người giám định, người dich thuật, người làm chứng, người định giá tài sản (trong các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, lao động, hành chính).

3. Hình phạt

Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 03 khung, cụ thể như sau:

a, Khung một (khoản 1)

Có mức phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.

b, Khung hai (khoản 2)

Có mức phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

c, Khung ba (khoản 3)

Có mức phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4.Hình phạt bổ sung

Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(Nội dung được trích dẫn từ Bình luận khoa học phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) – Luật gia Nguyễn Ngọc Điệp, trang 562-564).