Quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân theo Bộ luật Dân sự năm 2015

Chia sẻ nếu thấy nội dung này hữu ích

Điều 610. Quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân

Mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền để lại tài sản của mình cho người khác và quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Bình luận:

Trước hết, quyền bình đẳng cần được hiểu là quyền bình đẳng trước pháp luật, là một trong những quyền của quyền con người, quyền này thể hiện trong việc xác lập tư các con người trước pháp luật; không bị pháp luật phân biệt đối xử, quyền có vị thế ngang nhau trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ như nhau.

Thứ hai, quyền bình đẳng trước pháp luật là quyền không bị pháp luật phân biệt đối xử trong việc hưởng quyền và thực hiện các nghĩa vụ. Như trên đã nói, con người sinh ra có thể có sự khác nhau về chủng tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo và địa vị xã hội… Tuy nhiên, đó không phải là căn cứ để pháp luật phân biệt trong việc hưởng các quyền và chịu trách nhiệm pháp lý. Ngược lại, pháp luật luôn đặt giá trị bình đẳng làm thước đo, tiêu chuẩn để lấp đầy khoảng cách không bình đẳng đó bằng việc quy định các quyền, nghĩa vụ pháp lý ngang nhau. Quyền bình đẳng trước pháp luật, không bị phân biệt, đối xử còn có khía cạnh khác đó là quyền được hưởng tất cả các quyền con người như nhau ở “mọi nơi, mọi lúc và mọi hoàn cảnh”. Bình đẳng là sự đối xử như nhau đối với những người có hoàn cảnh như nhau và đối xử khác nhau với những người có hành vi xử sự theo yêu cầu của pháp luật và hoàn cảnh khác nhau.

Quy định tại Điều 610 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015 trên đây kế thừa toàn bộ Điều 632 BLDS năm 2005. Đây là sự cụ thể hóa nguyên tắc bình đẳng đã được quy định tại Điều 3 của BLDS năm 2015, đồng thời cũng là sự cụ thể hóa nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của công dân được Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam quy định tại Điều 16 “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”, “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Quy định trên cũng thể hiện rõ việc nội luật hóa các quy định của Công ước CEDAW ở Việt Nam – Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc phê chuẩn ngày 18/12/1979 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3 tháng 9 năm 1981. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đã kí tham gia Công ước này vào ngày 29/7/1980 và Hội đồng Nhà nước phê chuẩn vào ngày 27/11/1981.

Nếu hai nguyên tắc trên mang tính chỉ đạo, có giá trị áp dụng đối với tất cả các chế định, các quy phạm pháp luật dân sự, các quan hệ pháp luật dân sự trong đó có quan hệ thừa kế. Nguyên tắc này bao trùm chung về sự bình đẳng giữa các chủ thể khi họ tham gia vào quan hệ dân sự với nhau cũng như của công dân về mọi lĩnh vực thì Điều 610 chỉ quy định về quyền bình đẳng giữa các chủ thể với nhau trong việc để lại di sản và hưởng di sản thừa kế.

BLDS là đạo luật chung mang tính pháp điển hóa cao trong hệ thống pháp luật, bao quát một lĩnh vực rộng lớn của sinh hoạt xã hội, điều chỉnh quan hệ giữa các chủ thể có địa vị pháp lý bình đẳng của quan hệ dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Nguyên tắc bình đẳng nam nữ và quan điểm bình đẳng giới đã được cụ thể hóa vào toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam. Trong đó, BLDS chiếm tỉ lượng đáng kể trong việc quy định về bình đẳng giới ở hầu hết các chế định.

Tuân thủ nguyên tắc này thì trọng nam khinh nữ,  phân biệt đối xử giữa các thành viên trong gia đình giữa vợ chồng, giữa cha mẹ với con trai con gái, ông bà với cháu trai cháu gái, các cụ với chắt nội chắt ngoại, anh em trai và chị em gái sẽ bị triệt tiêu trong quan hệ thừa kế. Cụ thể:

– Vợ chồng có quyền ngang nhau trong việc định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất của vợ chồng trước khi chết.

– Vợ chồng có quyền hưởng di sản của nhau khi một bên chết trước.

– Cha mẹ có quyền ngang nhau trong việc hưởng di sản thừa kế của các con.

– Các con có quyền ngang nhau trong việc hưởng di sản thừa kế của cha mẹ, dù đó là con trai hay con gái.

– Những người thừa kế khác trong diện thừa kế theo quy định của pháp luật bình đẳng hưởng di sản thừa kế nếu họ là người thừa kế cùng hàng.

Ngoài sự bình đẳng nam nữ thì nguyên tắc này còn xác định bình đẳng của những người thừa kế về điều kiện kinh tế, địa vị xã hội, trình độ học vấn, dân tộc, tôn giáo… Có nghĩa là,  đã là cá nhân thì có quyền bình đẳng về việc để lại di sản và hưởng di sản thừa kế được Nhà nước ghi nhận và bảo hộ thực hiện thông qua quy định của pháp luật. Việc quy định mọi các nhân đều bình đẳng về quyền để lại di sản của mình cho người khác và bình đẳng về quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của họ trong quan hệ pháp luật thừa kế nói riêng và quan hệ pháp luật dân sự nói chung.

(Nội dung được trích dẫn từ: Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – PGS. TS. Nguyễn Văn Cừ – PGS. TS. Trần Thị Huệ – tr 926, 927).