Các bước đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất
Để quyền sử dụng đất của người nhận thừa kế được hợp pháp thì việc thừa kế quyền sử dụng đất phải thông qua các thủ tục pháp lý sau đây:
I. THỦ TỤC KHAI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ.
Thủ tục đầu tiên trong quy trình thủ tục để nhận thừa kế quyền sử dụng đất là những người thừa kế phải tiến hành khai nhận hoặc phân chia di sản thừa kế. Chia thành 02 trường hợp sau:
– TH1: Không có di chúc, di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người hoặc di chúc không hợp pháp:
+ Nếu những người nhận thừa kế muốn sở hữu chung quyền sử dụng đất, cùng quản lý và sử dụng thì lập văn bản khai nhận di sản.
+ Nếu muốn quyền sử dụng đất được chia cụ thể cho từng người, mỗi người có quyền sử dụng riêng thì sẽ lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Nếu các bên không thể tự thỏa thuận phân chia di sản dẫn đến phát sinh tranh chấp thì phải yêu cầu Tòa án giải quyết.
– TH2: Trường hợp có di chúc
Tiến hành phân chia theo ý chí của người để lại di chúc. Nếu các bên không thể tự thỏa thuận phân chia di sản dẫn đến phát sinh tranh chấp thì phải yêu cầu Tòa án giải quyết.
Thủ tục khai nhận hoặc phân chia di sản được thực hiện tại phòng công chứng. Hiện nay, Luật công chứng đã có những quy định cụ thể về việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, công chứng văn bản khai nhận di sản.
Việc công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, công chứng văn bản khai nhận di sản được tiến hành qua các bước sau:
* Bước 1: Người nhận thừa kế phải nộp một bộ hồ sơ có các giấy tờ theo sự hướng dẫn của từng phòng công chứng, các giấy tờ đó thường là:
– Sơ yếu lý lịch của người được nhận di sản thừa kế; chứng minh nhân dân/ hộ chiếu, hộ khẩu của người để và người nhận di sản;
– Giấy chứng tử của người để lại di sản; di chúc (nếu có);
– Hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền (trong trường hợp xác lập giao dịch thông qua người đại diện);
– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp của người để lại di.
* Bước 2: Thông báo niêm yết
Căn cứ vào hồ sơ này, phòng công chứng ra thông báo niêm yết tại trụ sở của Ủy ban nhân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người để lại di sản; trường hợp không xác định được nơi thường trú cuối cùng thì niêm yết tại nơi tạm trú có thời hạn cuối cùng của người đó (Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP). Có thể lý giải mục đích của việc niêm yết là nhằm để xác định có hay không có tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất.
* Bước 3: Công chứng văn bản
Sau 15 ngày niêm yết, nếu không có tranh chấp khiếu nại gì thì công chứng viên sẽ lập văn bản khai nhận, phân chia di sản thừa kế theo quy định.
II. THỦ TỤC ĐĂNG KÝ ĐẤT ĐAI.
Sau khi văn bản thỏa thuận phân chia di sản được xác nhận, bạn tiến hành đăng ký quyền sử dụng đất tại cơ quan có thẩm quyền là: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng tài nguyên và môi trường cấp huyện nơi có đất.
* Bước 1: Nộp hồ sơ.
Thực tế, tùy địa phương khác nhau sẽ có quy định thành phần các giấy tờ, tài liệu cụ thể cần cung cấp trong hồ sơ khác nhau. Nhìn chung, hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất thường gồm có:
+ Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở;
+ Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà của người để lại di sản;
+ Quyết định giải quyết tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực
+ Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có công chứng (nếu có).
+ Văn bản khai nhận di sản có công chứng
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
+ Giấy tờ khác: CMT, sổ hộ khẩu gia đình.
* Bước 2: Sau khi nhận được hồ sơ, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm: Thẩm tra hồ sơ, làm trích sao hồ sơ địa chính; gửi số liệu địa chính cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có),..
* Bước 3: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thông báo cho bên nhận thừa kế quyền sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
* Bước 4: Sau khi bên nhận thừa kế quyền sử dụng đất thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có đất có trách nhiệm trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).
Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký thừa kế quyền sử dụng đất cũng được quy định cụ thể không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ (điểm l khoản 2 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP).
Căn cứ pháp lý:
– Luật đất đai 2013;
– Nghị định 43/2014/NĐ-CP;
– Nghị định 01/2017/NĐ-CP,
– Thông tư 02/2015/TT-BTNMT,
– Luật Công chứng 2014.
(Nội dung được trích dẫn tại trang: http://svluat.com)