Tội không tố giác tội phạm quy định tại Điều 390 Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015. Tương ứng với Điều 314. Tội không tố giác tội phạm BLHS 1999.
“Điều 390. Tội không tố giác tội phạm
1. Người nào biết rõ một trong các tội phạm quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều 14 của Bộ luật này đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội phạm quy định tại Điều 389 của Bộ luật này đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 19 của Bộ luật này, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Người không tố giác nếu đã có hành động can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.”
Bình luận tội không tố giác tội phạm:
1. Khái niệm Tội không tố giác tội phạm là gì?
Không tố giác tội phạm được hiểu là hành vi không báo cho cơ quan có thẩm quyền về một trong các tội phạm được Bộ luật hình sự quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 điều 14 ( quy định về chuẩn bị phạm tội) mà mình biết rõ là đang được chuẩn bị hoặc một trong các tội quy định tại điều 389 (Tội che giấu tội phạm) đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện.
2. Các yếu tố cấu thành tội không tố giác tội phạm
2.1. Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội phạm này có các dấu hiệu sau:
a, Về hành vi. Có hành vi (không hành động) không báo cho cơ quan có thẩm quyền về việc một tội phạm đang được chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã được thực hiện xong mà mình biết rõ.
– Tội phạm đang chuẩn bị: là trường hợp người phạm tội đang tiến hành tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện cần thiết khác để thực hiện tội phạm.
– Tội phạm đang thực hiện: là trường hợp người phạm tội đang thực hiện các hành vi phạm tội mà chưa hoàn thành tội phạm đó (tức tội phạm đã hoàn thành).
– Tội phạm đã được thực hiện là trường hợp người phạm tội đã thực hiện xong hành vi phạm tội và có đủ dấu hiệu cấu thành của một tội phạm cụ thể.
b) Dấu hiệu khác. Tội phạm mà người biết rõ là :
– Tội phạm đang chuẩn bị quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 điều 14.
– Tội phạm đang hoặc đã thực hiên phải là một trong các tội phạm được quy định tại điều 389 (tội che giấu tội phạm), đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này. Những tội phạm khác ngoài các tội nêu tại điều 389 dù biết rõ đã chuẩn bị, đã hoặc đang thực hiện mà không tố giác thì cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này.
Lưu ý: Hành vi trên phải không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều 19 (quy định về không tố giác tội phạm). Tại khoản 2 điều 19 Bộ luật hình sự quy định những đối tượng sau đây không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm: Ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội. Tuy nhiên họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này nếu người phạm tội đã phạm vào các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội khác là tội đặc biệt nghiêm trọng khác nêu tại điều 389.
2.2. Khách thể
Hành vi không tố giác tội phạm xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và người phạm tội.
2.3. Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
2.4. Chủ thể
Chủ thể của tội phạm này là bất kì người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
Lưu ý: Người tố giác tội phạm nêu đã có hành vi can ngăn người phạm tội hoặc hạn chế tác hại của tội phạm, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc miễn hình phạt.
Các quy định trên thể hiện tính nhân đạo của Luật hình sự. Đồng thời còn mang tính phòng ngừa chung.
3.Hình phạt
Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 02 khung, cụ thể như sau:
a) Khung một (khoản 1)
Có mức phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm.
b) Khung hai (khoản 2)
Có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.
(Nội dung được trích dẫn từ Bình luận khoa học phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) của Luật gia Nguyễn Ngọc Điệp – trang 575, 576).