Điều 87. Những trường hợp không được làm người đại diện
1. Những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật:
a) Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;
b) Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
3. Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.
Bình luận:
Để đảm bảo hiệu quả cũng như tính khách quan, đúng đắn trong hoạt động của người đại diện, Bộ luật tố tụng Dân sự (BLTTDS) đã liệt kê các trường hợp một người không được tham gia tố tụng dân sự với tư cách là người đại diện. Theo quy định tại khoản 1 Điều 87 BLTTDS 2015, một người sẽ không thể là người đại diện theo pháp luật nếu như họ cũng là đương sự trong cùng vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với lập với quyền và lợi ích của người đại diện. Quy định này nhằm đảm bảo sự thống nhất về ý chí và quyền lợi giữa người đại diện và người được đại diện, hay nói cách khác người đại diện về quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Ngoài ra, nếu một người đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc thì người đó cũng không thể là người đại diện theo pháp luật.
Từ quy định này cho thấy một người có thể làm đại diện cho nhiều đương sự với điều kiện quyền và lợi ích của các đương sự đó phải thống nhất, không được mâu thuẫn, đối lập nhau. Nếu làm đại diện cho nhiều đương sự mà quyền, lợi ích của đương sự đối lập với nhau thì có thể hoạt động đại diện của người đại diện sẽ không khách quan, vô tư.
Cũng giống như quy định đối với đại diện theo pháp luật, một người cũng không thể được làm đại diện do đương sự ủy quyền nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và hợp pháp của người được đại diện hay nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 87 BLTTDS 2015, cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, kiểm sát, Công an cũng không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách làm người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật. Quy định này cũng giống như hai khoản trên nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự của người đại diện. Có lẽ các nhà làm luật cho rằng nếu cán bộ, công chức đã làm việc trong ngành Tòa án, kiểm sát, Công an thì có thể họ có những mối quan hệ xã hội có thể làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ việc dân sự, điều đó dẫn tới khó bảo đảm nguyên tắc khách quan, vô tư trong việc giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án. Như không phải đến BLTTDS 2015 mới được thể hiện , mà ngay từ khi xây dựng BLTTDS 2004, các nhà làm luật đã quy định các trường hợp trên không được làm đại diện ( tại Điều 75 ).
( Nội dung trên được trích dẫn từ: Bình luận khoa học BLTTDS 2015 – PGS.TS Trần Tuấn Anh )