Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
d) Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bình luận:
Điều luật quy định hai tội gồm:
-Tội chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.
-Tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
1. Khái niệm
a) Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có, được hiểu là hành vi tuy không hứa hẹn trước nhưng đã chứa chấp tài sản mà mình biết rõ là do người khác phạm tội (như cướp, trộm cắp tài sản…) mà có.
Chứa chấp tài sản là một trong những hành vi sau đây: cất giữ, che giấu, bảo quản tài sản; cho để nhờ, cho thuê địa điểm để cất giữ, che dấu, bảo quản tài sản đó.
b) Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, được hiểu là hành vi tuy không hứa hẹn trước nhưng đã tiêu thụ tài sản mà mình biết rõ là do người khác phạm tội mà có.
Tiêu thụ tài sản là một trong các hành vi sau đây: Mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó.
2. Các yếu tố cấu thành tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
2.1. Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội phạm này có các dấu hiệu sau:
a) Có hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có. Đây là hành vi nhận giữ tài sản của người khác và biết rõ tài sản này do người đó phạm tội (thông thường là các tội về chiếm đoạt) mà có đưojc mặc dù không có hứa hẹn trước với người giữ tài sản.
Ví dụ: Một người quen gửi một chiếc xe gắn máy và nói rõ đây là xe lấy trộm được và người phạm tội đã đồng ý nhận giữ hộ mà không báo với cơ quan có thẩm quyền.
b) Có hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Đây là hành vi chuyển dịch quyền sở hữu tài sản như bán, trao đổi… tài sản mà mình biết rõ tài sản đó là do người khác phạm tội mà có (mặc dù không hứa hẹn trước).
Ví dụ: Một người nhận bán hộ một người bạn một chiếc xe gắn máy và biết rõ là xe này do người đó trộm cắp mà có được và đồng ý đem đi bán chiếc xe đó.
Lưu ý: Các hành vi nêu trên phải có điều kiện là:
– Không có sự hứa hẹn trước với người giao tài sản là sẽ chứa chấp hoặc sẽ tiêu thụ tài sản của người đó.
– Khi nhận tài sản hoặc tiêu thụ tài sản thì mới biết rõ là do người giao tài sản phạm tội mà có được tài sản đó.
– Căn cứ để xác định người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có phải “do phạm tội mà có” chứ không phải căn cứ vào giá trị tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ. Nếu người có được tài sản đó nhưng không phải do phạm tội mà do thực hiện hành vi vi phạm pháp luật khác mà có, hoặc hành vi của người có tài sản đó thiếu một trong các yếu tố cấu thành nêu trên thì chưa gọi là tài sản do phạm tội mà có.
2.2. Khách thể
Hành vi nêu trên xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra còn gián tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
2.3. Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
2.4. Chủ thể
Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
3. Về hình phạt
Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 04 khung, cụ thể như sau:
a) Khung một (khoản 1)
Có mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
b) Khung hai (khoản 2)
Có mức phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
c) Khung ba (khoản 3)
có mức phạt tù từ 07 năm đến 10 năm.
d) Khung bốn (khoản 4)
Có mức phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.
4. Hình phạt bổ sung
Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
(Nội dung được trích dẫn từ: Bình luận khoa học phần các tội phạm Bộ luật Hình sự năm 2015,được sửa đổi, bổ sung năm 2107 – Luật Gia Nguyễn Ngọc Điệp – tr 470, 471).