Tội tổ chức đua xe trái phép theo quy định của Bộ luật hình sự (BLHS) năm 2015. (Tương ứng với điều 206, Tội tổ chức đua xe trái phép BLHS 1999).
Điều 265. Tội tổ chức đua xe trái phép
1. Người nào tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 04 năm đến 10 năm:
a) Tổ chức cho 10 xe tham gia trở lên trong cùng một lúc hoặc tổ chức 02 cuộc đua xe trở lên trong cùng một lúc;
b) Tổ chức cá cược;
c) Chống lại người có trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông hoặc người có trách nhiệm giải tán cuộc đua xe trái phép;
d) Tại nơi tập trung đông dân cư;
đ) Tháo dỡ thiết bị an toàn khỏi phương tiện đua;
e) Làm chết người;
g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
h) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
i) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
k) Tái phạm về tội này hoặc tội đua xe trái phép.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 08 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Bình luận Tội tổ chức đua xe trái phép:
1. Tổ chức đua xe trái phép là gì?
Tổ chức đua xe trái phép, được hiểu là hành vi sắp xếp, bố trí, lôi kéo, chuẩn bị phương tiện, địa điểm cho người khác đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có gắn động cơ mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
2. Các yếu tố cấu thành tội tổ chức đua xe trái phép
2.1. Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội phạm này có dấu hiệu sau:
Có hành vi tổ chức trái phép việc đua xe ô tô, xe máy hoặc các loại xe khác có động cơ. Được thể hiện bằng việc lập ra kế hoạch, chuẩn bị phương tiện, địa điểm, sắp xếp, bố trí, lôi kéo người khác…để tiến hành việc đua xe mà không được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
Chỉ cần có hành vi nêu trên là cấu thành tội này.
2.2. Khách thể
Hành vi nêu trên xâm phạm đến quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ, xâm phạm đến trật tự an toàn công cộng. Ngoài ra còn có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác.
2.3. Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lối cố ý.
2.4. Chủ thể
Chủ thể của tội phạm này là bất kì người nào có trách nhiệm năng lực hình sự.
Lưu ý: Người tổ chức đua xe trái phép là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy cuộc đua xe.Người tổ chức có thể tham gia hoặc không tham gia cuộc đua xe trái phép.
3. Về hình phạt
Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 04 khung, cụ thể như sau:
a) Khung 1 (khoản 1)
Có mức phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
b) Khung 2 (khoản 2)
Có mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 04 năm đến 10 năm.
c) Khung 3 (khoản 3)
Có mức phạt tù từ 08 năm đến 15 năm.
d) Khung 4 (khoản 4)
Có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
4. Hình phạt bổ sung
Ngoài việc bị áp dung một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
(Nội dung được trích dẫn từ Bình luận khoa học phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) -Luật gia Nguyễn Ngọc Điệp, trang 337- 340).