Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật

Chia sẻ nếu thấy nội dung này hữu ích

Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017

Điều 285. Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật

1. Người nào sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm có tính năng tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để sử dụng vào mục đích trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Có tính chất chuyên nghiệp;

d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

đ) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 1.000.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Bình luận:

Điều luật quy định 04 tội gồm:

– Tội sản xuất công cụ, thiết bị, phần mềm sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

– Tội mua bán công cụ, thiết bị, phần mềm sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

– Tội trao đổi công cụ, thiết bị, phần mềm sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

– Tội tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

Đây là tội danh mới so với BLHS 1999.

1. Khái niệm

– Sản xuất công cụ, thiết bị, phần mềm sử dụng vào mục đích trái pháp luật, được hiểu là hành vi làm ra công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

– Mua bán công cụ, thiết bị, phần mềm sử dụng vào mục đích trái pháp luật, được hiểu là hành vi dùng tiền, tài sản để trao đổi công cụ, thiết bị, phần mềm nêu trên hoặc ngược lại để thu lợi.

– Trao đổi công cụ, thiết bị, phần mềm sử dụng vào mục đích trái pháp luật, được hiểu là hành vi đổi công cụ, thiết bị, phần mềm này lấy công cụ, thiết bị, phần mềm khác để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

– Tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật, được hiểu là hành vi của bên tặng cho giao công cụ, thiết bị, phần mềm nêu trên và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, còn bên được tặng cho đồng ý nhận.

2. Các yếu tố cấu thành tội phạm nêu trên

2.1. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội này có một trong các dấu hiệu sau:

– Có hành vi làm ra công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

– Có hành vi dùng tiền, tài sản trao đổi lấy công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật hoặc ngược lại lấy công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật đổi lấy tiền, tài sản để thu lợi (dạng mua đi, bán lại).

– Có hành vi dùng công cụ, thiết bị, phần mềm này đổi lấy công cụ, thiết bị, phần mềm khác để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (không mang tính thu lợi).

– Có hành vi chuyển giao công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật và chuyển quyền sở hữu cho người khác mà không yêu cầu đền bù và được người đó đồng ý nhận.

Lưu ý:

– Các công cụ, thiết bị, phần mềm trên phải có tính năng tấn công mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thì mới có thể sử dụng vào mục đích trái pháp luật.

– Chỉ cần thực hiện một trong các hành vi nếu trên là đã đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

– Việc có sử dụng công cụ, thiết bị, phần mềm nói trên hay chưa không phải là dấu hiệu cấu thành của tội này.

2.2. Khách thể

Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến hoạt động quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.

2.3. Mặt chủ quan

Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.

2.4. Chủ thể

Chủ thể của các tội này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.

3. Về hình phạt

Mức hình phạt của tội  này được chia thành 03 khung, cụ thể như sau:

a) Khung một (khoản 1)

Có mức phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Được áp dụng đối với trường hợp có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản của mặt khách quan.

b) Khung hai (khoản 2)

Có mức phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000.đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

c) Khung ba ( khoản 3)

Có mức phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Hình phạt bổ sung

Ngoài việc chịu hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

(Nội dung được trích từ: Bình luận khoa học phần các tội phạm Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 – Luật Gia Nguyễn Ngọc Điệp – tr 388, 389).