Cơ sở pháp lý
Điều 278. Tội cản trở giao thông đường không
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, cản trở giao thông đường không làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 62% đến 121% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đặt các chướng ngại vật cản trở giao thông đường không;
b) Di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất, hoặc phá hủy các biển hiệu, tín hiệu an toàn giao thông đường không;
c) Sử dụng sai hoặc làm nhiễu các tần số thông tin liên lạc;
d) Cố ý cung cấp thông tin sai đến mức gây uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay hoặc trên mặt đất, an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người tại cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng;
đ) Làm hư hỏng trang thiết bị của sân bay hoặc trang thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho an toàn bay;
e) Hành vi khác cản trở giao thông đường không.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
e) Là người có trách nhiệm trực tiếp bảo đảm an toàn giao thông đường không hoặc trực tiếp quản lý các thiết bị an toàn giao thông đường không.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người đặt các chướng ngại vật cản trở giao thông đường không; di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất, hoặc phá hủy các biển hiệu, tín hiệu an toàn giao thông đường không; sử dụng sai hoặc làm nhiễu các tần số thông tin liên lạc; cố ý cung cấp thông tin sai đến mức gây uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay hoặc trên mặt đất; an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người tại cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng; làm hư hỏng trang thiết bị của sân bay hoặc trang thiết bị phụ trợ khác phục vụ cho an toàn bay hoặc hành vi khác cản trở giao thông đường không gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
5. Phạm tội có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác, nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bình luận
1. Cản trở giao thông đường không là hành vi đặt các chướng ngại vật cản trở giao thông đường không; di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất, hoặc phá hủy các biển hiệu, tín hiệu an toàn giao thông đường không; sử dụng sai hoặc làm nhiễu các tần số thông tin liên lạc, cung cấp thông tin sai lệch gây nguy hiểm cho chuyến bay; làm hư hỏng trang thiết bị của sân bay hoặ trang thiết bị phụ trợ khác hoặc có hành vi khác cản trở giao thông đường không gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác.
2. Dấu hiệu pháp lý của tội phạm
2.1. Khách thể của tội phạm
Tội phạm xâm phạm vào những qui định của Nhà nước về an toàn giao thông đường không gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, của công dân, tài sản của Nhà nước, của tổ chức xã hội và của công dân.
2.2. Mặt khách quan của tội phạm
Tội phạm thể hiện ở những hành vi cản trở giao thông đường không, những hành vi khác xâm phạm vào những quy định về an toàn giao thông đường không như:
– Đặt các chướng ngại vật cản trở giao thông đường không như: đề vật liệu xây dựng, đồ vật trên đường băng, sân bay…
– Di chuyển, trái phép, làm sai lệch, che khuất, hoặc phá hủy các biển hiệu, tín hiệu an toàn giao thông đường không: chuyển dịch biển báo đến vị trí khác; dùng các đồ vật như vải mưa, cành cây, bùn đất…làm sai lệch, che khuất biển báo hoặc có hành vi phá hủy biển hiệu, phá hủy hệ thống đèn dẫn đường trên đường băng cho máy bay cất cánh, hạ cánh (ban đêm), tín hiệu an toàn giao thông như tháo gỡ, đập phá…làm các biển báo, tín hiệu mất tác dụng. Sử dụng sai hoặc làm nhiễu các tần số thông tin liên lạc;
– Cố ý cung cấp thông tin sai lệch đến mức gây uy hiếp an toàn của tàu bay đang bay hoặc trên mặt đất, an toàn của hành khách, tổ bay, nhân viên mặt đất hoặc người tại cảng hàng không, sân bay và công trình, trang bị, thiết bị hàng không dân dụng;
– Làm hư hỏng trang thiết bị của sân bay hoặc trang thiết bị phụ trợ hác phục vụ cho an toàn bay;
– Hành vi cản trở giao thông đường không như: thả trâu, bò trên sân bay, đường băng, đào phá sân bay, đường băng lấy vật liệu…
Hậu quả thiệt hại là yếu tố cấu thành bắt buộc của tội phạm. Hành vi vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có một trong các hậu quả xảy ra như sau:
– Làm chết người;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
3.3. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý.
3.4. Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm là người đủ năng lực trách nhiệm hình sự đối và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên thực hiện tội phạm.
( Nội dung được trích dẫn tại trang 445, 446, 447 ” Bình luận khoa học Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 – TS. Trần Văn Biên – TS. Đinh Thế Hưng)