Thủ tục niêm yết công khai theo quy định BLTTDS 2015

Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ và các vũ khí khác có tính năng tác dụng tương tự
(Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)

Chia sẻ nếu thấy nội dung này hữu ích

Điều 179. Thủ tục niêm yết công khai

1. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng theo quy định tại Điều 177 và Điều 178 của Bộ luật này.

2. Việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Tòa án trực tiếp thực hiện hoặc ủy quyền cho người có chức năng tống đạt hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đương sự cư trú, nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở thực hiện theo thủ tục sau đây:

a) Niêm yết bản chính tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;

b) Niêm yết bản sao tại nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở hoặc trụ sở cuối cùng của cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo;

c) Lập biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết.

3. Thời hạn niêm yết công khai văn bản tố tụng là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.

Bình luận:

Điều 179 Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015 đã kế thừa về cơ bản quy định tại Điều 154 BLTTDS 2004 về thủ tục niêm yết công khai. Tuy nhiên, Điều luật này đã khắc phục hạn chế của điều 154 BLTTDS 24 thông qua việc quy định về thủ tục niêm yết công khai với trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp cho cơ quan, tổ chức. Theo khoản 1 của Điều này thì việc niêm yết công khai văn bản tố tụng được thực hiện trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng . Thiết nghĩ, cần phải có những hướng dẫn cụ thể khi áp dụng để xác định nội hàm của “trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng” dẫn tới cần phải tiến hành thủ tục niêm yết . Theo logic thì có thể suy đoán đó là trường hợp cá nhân người được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ ( khoản 3 và khoản 5 Điều 177), cơ quan, tổ chức không còn hoạt động tại trụ sở đã đăng kí và không xác định được địa chỉ mới.

Tuy nhiên, trường hợp người được cấp, tống đạt, thông báo là cá nhân; người chịu trách nhiệm nhận văn bản tố tụng của cơ quan, tổ chức vắng mặt mà không xác định được địa chỉ của họ thì có thuộc “trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng” cần phải tiếp tục tiến hành thủ tục niêm yết hay không cũng cần phải được hướng dẫn cụ thể.

Khoản 2 của Điều này xác định chủ thể và thủ tục niêm yết văn bản tố tụng. Theo đó, việc niêm yết công khai văn bản tố tụng do Tòa án trực tiếp thực hiện ủy quyền cho Thừa phát lại hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đương sự cư trú, nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở thực hiện. Bản chính của văn bản tố tụng được niêm yết tại trụ sở Tòa án, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở cuối cùng của cơ quan tống đạt. Bản sao của văn bản tố tụng được niêm yết tại nơi cư trú cuối cùng của cá nhân, nơi có trụ sở cuối cùng của cơ quan,tổ chức cấp, tống đạt, thông báo. Tòa án, Thừa phát lại hoặc ủy ban nhân dân cấp xã phải lập biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai, trong đó ghi rõ ngày, tháng, năm niêm yết. Khoản 3 của Điều này quy định thời hạn niêm yết công khai văn bản tố tụng là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết. Việc nghiên cứu  cho thấy quy định về thủ tục và thời hạn niêm yết công khai văn bản tố tụng trong tố tụng dân sự và trong thi hành án dân sự có khác biệt nhất định.

( Nội dung được trích dẫn từ Bình luận khoa học BLTTDS năm 2015 của PGS.TS. Trần Anh Tuấn – trang 392,393,394)