Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn theo Bộ luật tố tụng dân sự 2015

Chia sẻ nếu thấy nội dung này hữu ích

Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) năm 2015.

 

Điều 316. Phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn

1. Thủ tục rút gọn là thủ tục tố tụng được áp dụng để giải quyết vụ án dân sự có đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật này với trình tự đơn giản so với thủ tục giải quyết các vụ án dân sự thông thường nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng nhưng vẫn bảo đảm đúng pháp luật.

2. Những quy định của Phần này được áp dụng để giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn; trường hợp không có quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết vụ án.

3. Trường hợp luật khác có quy định tranh chấp dân sự được giải quyết theo thủ tục rút gọn thì việc giải quyết tranh chấp đó được thực hiện theo thủ tục quy định tại Phần này.

 

Bình luận:

Việc nghiên cứu các tài liệu lí luận về tố tụng của các nước theo hệ thống luật dân sự, mà điển hình là Pháp cho thấy không có một khái niệm riêng về thủ tục tố tụng dân sự rút gọn. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Pierre ESTOUP thì “các thủ tục ra lệnh là loại hình thủ tục đơn giản cho phép người có quyền có được lệnh buộc người có nghĩa vụ phải thanh toán một khoản nợ hoặc thi hành một nghĩa vụ từ hợp đồng“. Trong lịch sử tố tụng của Pháp, thủ tục ra lệnh thanh toán nợ được thiết lập bằng Sắc luật ngày 25/08/1937, dưới tên gọi khác là “thủ tục đơn giản thu hồi những món nợ thương mại nhỏ”. Từ Sắc lệnh 72-790 ngày 28/08/1972, thủ tục này đã mở rộng áp dụng đối với cả lĩnh vực dân sự và thương mại mà không phụ thuộc vào giá trị của tranh chấp. Từ mô hình này, Sắc lệnh 88-209 ngày 04/03/1988 đã đưa vào một thủ tục mới đó là thủ tục ra lệnh thực hiện công việc nhằm đơn giản hóa việc kiện của người tiêu dùng trong việc yêu cầu Tòa án buộc bên kí hợp đồng phải thi hành nghĩa vụ đã cam kết. Ở Đức, cũng có quy định  về thủ tục thanh toán nợ. Theo đó, Tòa Amtsgericht (AG) hay còn gọi là Tòa án cơ sở có thẩm quyền ra lệnh thanh toán nợ theo thủ tục xét xử nhanh đối với yêu cầu thanh toán các khoản nợ đã rõ ràng.

Ở Việt Nam, công trình về tố tụng dân sự đầu tiên ở Việt Nam, do cố Giáo sư Nguyễn Huy Đẩu thực hiện tuy không đưa ra một khái niệm cụ thể về loại hình thủ tục này nhưng đã có bàn tới thủ tục đơn giản lược hay thủ tục không đới tranh. Theo đó, “Thủ tục giản lược (procedure sommaire) là một thủ tục ít lệ thức, đỡ tốn kém, và mau chóng hơn, được nhà lập pháp dự liệu như biệt lệ đối với thủ tục tố tụng thông thường“. Theo cố Giáo sư Nguyễn Huy Đẩu, thủ tục giản lược được áp dụng đối với”… các việc kiện về đối nhân động sản có chứng khoán không bị tranh nại, các đơn kiện này không có chứng khoán nhưng dưới 90.000 quan, các tố quyền bất động sản hoa lợi đồng niên dưới 8.000 quan, các đơn thỉnh cầu tạm thời hoặc kiện về tiền thuê nhà, lúa ruộng”. Như vậy, thủ tục giản lược có thể áp dụng với những việc kiện có chứng cứ rõ ràng (có chứng khoán không bị tranh nại) hoặc không có chứng cứ rõ ràng nhưng giá trị tranh chấp nhỏ (kiện về đối nhân động sản dưới 90.000 quan hoặc kiện về bất động sản hoa lợi đồng niên dưới 8.000 quan, kiện về tiền thuê nhà, lúa ruộng). Kết quả nghiên cứu đề tài cấp Bộ do nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Luật Hà Nội tiến hành đã đi đến kết luận rằng, thủ tục tố tụng dân sự rút gọn là loại hình thủ tục tố tụng được giản lược, do một Thẩm phán tiến hành giải quyết đối với các vụ kiện dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động có nội dung đơn giản, rõ ràng hoặc có giá trị nhỏ theo một trình tự tố tụng đơn giản, nhanh chóng, phán quyết của Tòa án có hiệu lực pháp luật ngay hoặc có thể bị phản kháng để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm thông thường hoặc thủ tục phúc thẩm được giản lược.

Về phương diện luật thực định, quy định tại điều 316 BLTTDS 2015 của Việt Nam đã xác định bản chất, phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn. Theo đó, thủ tục rút gọn là trình tự đơn giản hơn so với trình tự giải quyết các vụ tranh chấp dân sự thông thường, được áp dụng để giải quyết nhanh chóng một số vụ án dân sự có đủ điều kiện nhất định. Điều luật đã chỉ ra một quy định có tính nguyên tắc trong việc áp dụng pháp luật là các quy định tại Phần thứ tư của BLTTDS 2015 về “Giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn” sẽ được ưu tiên ap dụng để giải quyết những tranh chấp thỏa mãn một số điều kiện nhất định, đối với những vấn đề không được quy định tại Phần này thì các quy định khác của BLTTDS sẽ được áp dụng để giải quyết tranh chấp. Trường hợp các văn bản pháp luật khác ngoài BLTTDS 2015 có dẫn chiếu việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết một số tranh chấp dân sự nào đó thì các quy định tại Phần thứ tư của BLTTDS 2015 về “Giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn” sẽ được áp dụng để giải quyết những tranh chấp này. Chẳng hạn, khoản 2 điều 41 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 đã dẫn chiếu”… Vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục đơn giản quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự…”. Do vậy, các quy định tại Phần thứ tư của BLTTDS 2015 về “Giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn”sẽ được áp dụng để giải quyết những tranh chấp này.

(Nguồn: Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng dân sự của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2015).