Ly hôn khi vợ mới mang thai được 03 tháng?

Tư vấn pháp luậtLy hôn khi vợ mới mang thai được 03 tháng?
Lê Văn Hà hỏi 5 năm trước

Xin chào luật sư, em muốn hỏi: Hai vc em kết hôn được 07 năm rồi. Chúng em đã có được một cháu 05 tuổi và vợ em thì đang mang thai cháu thứ hai mới được 03 tháng. Nhưng do đời sống vợ chồng không được hòa hợp nên em muốn ly hôn. Em biết thời gian này không thể đơn phương ly hôn nếu không có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
Nhưng nếu cả hai cùng đồng ý thì em có thể giành được quyền nuôi đứa con 05 tuổi không? Cô ấy thì ở nhà không đi làm và cô ấy có khoản thu cho thuê nhà hàng tháng là 3.000.000 đồng, trình độ học vấn là 9/12. Còn em thì đi làm thu nhập hàng tháng với mức lương 7.000.000/tháng, trình độ học vấn là 12/12. Em thì muốn ly hôn, nhưng em sợ em muốn quyền được nuôi con 05 tuổi cô ấy không đồng ý. Nên em muốn hỏi hoàn cảnh em như vậy thì Tòa án sẽ giải quyết như thế nào? Mong sớm nhận được câu trả lời của luật sư. Em xin cảm ơn.

*


1 Answers
Luật Vĩnh An Nhân viên trả lời 5 năm trước

Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến chuyên mục Tư vấn pháp luật của Công ty luật Vĩnh An.
Chúng tôi rất lấy làm tiếc về chuyện hôn nhân của gia đình bạn. Ly hôn là điều không ai mong muốn cả. Nhưng nhiều khi nó lại là điều không thể tránh khỏi và chúng ta chỉ đang làm những điều tốt nhất có thể.
Với thắc mắc của bạn, Công ty luật Vĩnh An xin được đưa ra quan điểm tư vấn cho bạn như sau:
Thứ nhất, về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn.

Căn cứ Điều 51 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014, thì trong thời gian vợ mang thai, sinh con, đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn.
“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.” 
Như vậy theo quy định trên, thì chỉ hạn chế quyền ly hôn của người chồng khi người vợ đang mang thai. Có nghĩa là nếu người vợ làm đơn xin ly hôn hoặc hai vợ chồng anh(chị) thuận tình ly hôn thì Tòa án vẫn sẽ thụ lý, giải quyết ly hôn theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, về quyền nuôi con.

Căn cứ Điều 81 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:

“1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.”
Như vậy, từ những quy định trên và trường hợp cụ thể của bạn thì có thể rút ra một số điều:
– Con bạn đã 05 tuổi, vì vậy sẽ không còn được mặc định giao cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng. Vậy nên cơ hội được nuôi con của bạn cũng được tăng thêm.

– Khi xem xét ai sẽ là người có quyền nuôi con, Tòa án sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố khác nhau với mục đích tìm được người có thể đáp ứng tối đa yêu cầu cho sự phát triển của đứa trẻ. Nhìn chung Tòa án sẽ dựa trên 3 yếu tố sau:

+ Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập…các yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha mẹ;

+ Các yếu tố về tinh thần bao gồm: Thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm đã dành cho con từ trước đến nay, điều kiện cho con vui chơi giải trí, nhân cách đạo đức, trình độ học vấn … của cha mẹ;

+ Nguyện vọng của con: Con mong muốn được ở với ai (chỉ áp dụng với con từ đủ 7 tuổi trở lên).

Nếu bạn thực sự yêu thương con mình và có đủ khả năng chứng minh trước tòa rằng mình có thể đem lại cho con mình cuộc sống tốt đẹp hơn thì việc bạn giành được quyền nuôi con là hoàn toàn có thể.

Bên cạnh đó, Điều 82 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2014 có quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Theo đó:

“1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.

2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Nếu bạn không được trực tiếp nuôi con thì vẫn có quyền được cấp dưỡng và thăm nom cháu bé. Không ai có thể cản trở quyền này của bạn. Do vậy chúng tôi khuyên bạn nên cân nhắc. Nếu bạn thực sự có khả năng để nuôi con một cách đầy đủ nhất, điều đó là tốt. Nhưng nếu bạn thấy vợ bạn là người có thể chăm lo tốt hơn cho con mình thì bạn có thể cân nhắc vấn đề này. Vì qua thông tin bạn đưa ra, có thể việc ly hôn này xuất phát từ chuyện riêng của vợ chồng và hai vợ chồng bạn đều yêu thương con mình. Vậy nên chúng tôi mong bạn và vợ bạn có thể cân nhắc kĩ lưỡng vấn đề này vì tương lai con của hai bạn.

Hi vọng phần tư vấn của chúng tôi có thể giúp ích trong vấn đề của bạn.Chúc bạn sớm vượt qua sóng gió này.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của chúng tôi.Nếu còn điều gì thắc mắc,bạn vui lòng liên hệ với chúng tôi theo:
Địa chỉ: Tầng 04, Tòa nhà Trung Anh, Km2, Đại Lộ Lê Nin, phường Hà Huy Tập, Tp Vinh, Tỉnh Nghệ An.
Số điện thoại: 0989.852.846 – 0943.016.421.
Email: congtyluatvinhan@gmail.com
Website: https://luatvinhan.vn
Facebook: http://fb.com/luatvinhan

 

*


Your Answer